Địa lý Liêu_Ninh

Bản đồ địa hình tỉnh Liêu NinhÁp Lục Giang tại Đan Đông, Liêu Ninh (trái) và Pyongan Bắc, Triều Tiên (phải)Phượng Hoàng Sơn (凤凰山) ở Đan ĐôngĐồng bằng Liêu HàBút Giá Sơn (笔架山), một hòn đảo tại Cẩm Châu, sẽ liền với lục địa khi thủy triều xuống

Tỉnh Liêu Ninh nằm ở phía nam của khu vực Đông Bắc Trung Quốc, có tọa độ giới hạn từ 118°53' đến 125°46' kinh Đông và từ 38°43' đến 43°26' vĩ Bắc. Liêu Ninh giáp với Hoàng HảiBột Hải ở phía nam, bán đảo Liêu Đông nằm giữa hai biển này. Vịnh Liêu Đông của Bột Hải nằm ở phía tây bán đảo Liêu Đông, còn ở phía đông bán đảo này là vịnh Triều Tiên của Hoàng Hải. Hoàng Hải và Bột Hải thông nhau qua eo biển Bột Hải, bên kia eo biển là bán đảo Sơn Đông. Liêu Ninh giáp với tỉnh Hà Bắc ở phía tây nam, giáp với khu tự trị Nội Mông Cổ ở phía tây bắc, giáp với tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc, giáp với Triều Tiên (tỉnh Pyongan Bắc và một phần tỉnh Chagang) ở phía tây nam qua Áp Lục Giang.

Tỉnh Liêu Ninh có tổng diện tích 148.000 km², chiếm khoảng 1,5% diện tích Trung Quốc. Trong đó, các vùng sơn địa rộng 88.000 km², tức 59,5% diện tích của tỉnh; các vùng bình địa rộng 48.000 km², tức chiếm 32,4% diện tích của tỉnh; vùng mặt nước và các khu vực khác rộng 12.000 km², chiếm 8,1% diện tích của tỉnh.[22] Địa hình tỉnh Liêu Ninh nói chung thấp dần từ bốn phía về vùng trung tâm, hình thành một hình móng ngựa nghiêng về phía Bột Hải. Hai bên Liêu Đông và Liêu Tây có các đồi núi cao tương ứng 800 mét và 500 mét so với mực nước biển; vùng trung bộ là đồng bằng Liêu Hà có độ cao bình quân 200 mét so với mực nước biển. Khu vực Liêu Tây nằm ven Bột Hải là vùng đồng bằng ven biển, còn được gọi là hành lang Liêu Tây (辽西走廊).

Sông

Trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh có 441 con sông lớn và nhỏ, với tổng chiều dài 20.140 km.[23] Trong đó, có 17 sông có diện tích lưu vực trên 5000 km² và 31 sông có diện tích lưu vực từ 1000–5000 km². Liêu Hà là sông lớn nhất tỉnh Liêu Ninh và cũng là một trong các sông quan trọng nhất tại Trung Quốc. Một số chi lưu của Lưu Hà trên địa bàn Liêu Ninh có Đông Liêu Hà, Tây Liêu Hà (gồm Lão Cáp Hà (老哈河) chảy từ Liêu Ninh sang Nội Mông), Hồn Hà, Thái Tử Hà, Nhiễu Dương Hà (绕阳河), Dưỡng Tức Mục Hà (养息牧河), Liễu Hà (柳河), Tú Thủy Hà (秀水河). Tuy nhiên, từ năm 1958, do sự can thiệp của con người, Liêu Hà đã đổi dòng, đổ ra biển theo dòng chảy của Song Đài Tử Hà ở Bàn Cẩm; Thái Tử Hà và Hồn Hà đã trở thành một hệ thống sông độc lập, vẫn chảy ra biển theo dòng chảy cũ của Liêu Hà ở Dinh Khẩu, gọi là Đại Liêu Hà. Áp Lục Giang ở biên giới với Triều Tiên là sông lớn thứ hai của Liêu Ninh, tuy nhiên, các cù lao ở cửa sông mặc dù nằm gần bờ Liêu Ninh hơn song lại tạo thành huyện Sindo của Triều Tiên. Áp Lục Giang chảy 200 km trên địa phận Liêu Ninh, 16.600 km² lưu vực của Áp Lục Giang nằm trên địa phận Liêu Ninh.[24] Đoạn Liêu Hà chảy trên địa phận Liêu Ninh dài khoảng 480 km với diện tích lưu vực khoảng 69.200 km² (46,76% diện tích toàn tỉnh). Các sông của Liêu Ninh có đặc điểm là chảy từ ba hướng đông, tây và bắc hướng đến trung nam bộ rồi đổ vào biển. Đặc điểm thủy văn của các sông trong tỉnh là: dòng chảy êm đềm, hàm lượng phù sa cao, lưu lượng phân bố không đồng đều trong năm, có thể xảy ra lũ lụt. Các sông ở đông bộ Liêu Ninh có nước chảy nhanh, lòng sông hẹp, thích hợp phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Đại Lăng Hà (大凌河) và Tiểu Lăng Hà (小凌河) là hai sông chính ở Liêu Tây và đều đổ ra vịnh Liêu Đông tại địa phận Cẩm Châu. Đại Lăng Hà có tổng chiều dài 397 km với diện tích lưu vực 23.500 km² (85% lưu vực thuộc tỉnh Liêu Ninh). Tiểu Lăng Hà có tổng chiều dài 206 km, diện tích lưu vực 5.475 km².[25] Sông lớn thứ ba ở Liêu Tây là Lục Cổ Hà (六股河) tại Hồ Lô Đảo với tổng chiều dài 148,8 km.[26]

Núi

Các dãy núi trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh nằm ở hai phía đông và tây. Ở đông bộ tỉnh Liêu Ninh là hai nhánh liên tục của dãy núi Trường BạchCáp Đạt Lĩnh (哈达岭) và Long Cương Sơn (龙岗山), chạy theo chiều bắc-nam với độ cao trong khoảng từ 500-800 mét so với mực nước biển. Đỉnh núi cao nhất của tỉnh Liêu Ninh là Hoa Bột Tử Sơn (花脖子山) ở đông bộ với cao độ tối đa là 1.336 mét.

Các dãy núi ở tây bộ Liêu Ninh được cấu thành khi vùng cao nguyên Mông Cổ chuyển tiếp xuống đồng bằng Liêu Hà, độ cao trong khoảng 300-1000 mét trên mực nước biển, các dãy núi chú yếu bao gồm Nỗ Lỗ Nhi Hổ Sơn (努鲁儿虎山), Tùng Lĩnh (松岭), Hắc Sơn (黑山) và Y Vu Lư Sơn (医巫闾山).

Biển

Thềm lục địa của tỉnh Liêu Ninh có diện tích khoảng 150.000 km², trong đó vùng biển gần bờ có diện tích 64.000 km². Diện tích vùng bãi cạn ven biển là 2.070 km². Đường bờ biển của tỉnh Liêu Ninh kéo dài từ cửa sông Áp Lục đến Lão Long Đầu (老龙头), tức điểm được xem là bắt đầu của Vạn Lý Trường Thành thuộc huyện Tuy Trung có tổng chiều dài 2.292,4 km, chiếm 12% tổng chiều dài đường bờ biển của Trung Quốc.[22] Vùng Bột Hải thuộc tỉnh Liêu Ninh có độ sâu tối đa là 32 mét, nhiệt độ nước biển có thể xuống dưới -1 °C vào mùa đông, độ mặn là 30‰. Vùng Hoàng Hải thuộc tỉnh Liêu Ninh có độ sâu bình quân là 38 mét, nhiệt độ nước biển trên 0 °C vào mùa đông, độ mặn là 32‰.[24]

Đảo

Toàn tỉnh Liêu Ninh có 266 hải đảo với tổng diện tích là 191,5 km², chiều dài đường bờ biển của các hải đảo này là 627,6 km.[22] Các hải đảo chủ yếu của tỉnh Liêu Ninh gồm quần đảo Ngoại Trường Sơn (外长山列岛), quần đảo Lý Trường Sơn (里长山列岛), quần đảo Thạch Thành (石城列岛) đều ở phía đông của bán đảo Liêu Đông và hình thành huyện Trường Hải của Đại Liên, đảo Đại Lộc (大鹿岛) thuộc Đan Đông, đảo Cúc Hoa (菊花岛) trên vịnh Liêu Đông thuộc Hưng Thành, đảo Trường Hưng (长兴岛) ở tây nam bán đảo Liêu Đông là đảo lớn nhất nằm ở phía bắc lưu vực Trường Giang của Trung Quốc và cũng là một trong các đảo lớn nhất của Trung Quốc.[27]

Khí hậu

Tỉnh Liêu Ninh có khí hậu ôn đới lục địa gió mùa, bốn mùa rõ rệt. Vào mùa đông, chủ yếu là gió tây bắc với nhiệt độ lạnh giá kéo dài. Mùa hè có gió đông nam, nhiệt độ nóng và có nhiều mưa. Mùa xuân ít mưa và có nhiều gió. Mùa thu có nhiều nắng và chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Lượng bức xạ Mặt Trời hàng năm trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh là từ 100-200 Ca-lo/cm², số giờ nắng trong năm dao động từ 2.100-2.900 giờ.[28] Tính trung bình trong 30 năm từ 1971-2000, lượng giáng thủy hàng năm của Liêu Ninh là từ 439–1051 mm và mỗi năm có từ 131-223 ngày không có sương giá.[23] Liêu Ninh cũng phải hứng chịu thiên tai bão cát.[24]

Sinh vật

Tỉnh Liêu Ninh có 827 loài động vật thuộc 492 chi, 210 họ, 62 bộ và 7 lớp. Trong đó có 6 loài được bảo hộ cấp một quốc gia, 68 loài được bảo hộ cấp hai quốc gia và 107 loài được bảo hộ cấp ba quốc gia. Các loài động vật có giá trị lớn về mặt khoa họckinh tế trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh có hạc trắng, sếu Nhật Bản, Agkistrodon halys (một loài rắn độc), Onychodactylus fischeri (một loài kỳ giông), hải cẩu, cá heo.. Tỉnh Liêu Ninh có hơn 400 loài chim, chiếm 31% số loài chim tại Trung Quốc.[29] Người ta cũng đã phát hiện được hóa thạch của các loài sinh vật từ thời tiền sử như Sinosauropteryx, Repenomamus hay Sinornithosaurus trên địa bàn Liêu Ninh.

Vùng nước ven biển của tỉnh Liêu Ninh có tài nguyên sinh vật phong phú với hơn 520 loài. Trong đó có 107 loài sinh vật phù du; 208 loài sinh vật đáy (benthos), chủ yếu là nghêu, , bào ngư, cầu gai, hàu, hải sâm, điệp; 137 loài sinh vật trôi (Nekton), bao gồm động vật chân đầuđộng vật có vú, trong đó có hơn 70 loài có giá trị kinh tế như Larimichthys polyactis (tiểu hoàng ngư), Larimichthys crocea (đại hoàng ngư), cá bố, cá thu, cá tuyết, cá chim trắng.[29] Vùng thủy vực nội lục của tỉnh Liêu Ninh có 119 loài thủy sản, trong đó có 97 loài cá nước ngọt. Các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao phải kể đến như cá chép, cá vàng (Carassius auratus auratus), Oreochromis mossambicus (một loại cá trê), cá mè trắng, cá mè hoa, cá trắm đen, cá hồi vân, cá chạch (Misgurnus anguillicaudatus) và cá học (Hypomesus olidus).[29]

Về thực vật, tỉnh Liêu Ninh có trên 2.200 loài thuộc 161 chi, trong đó có trên 1.300 loài có giá trị về mặt kinh tế. Liêu Ninh có trên 830 loài có thể sử dụng để sản xuất dược phẩm như nhân sâm (Panax ginseng), tế tân (Asarum sieboldii), ngũ vị tử (Fructus Schisandrae Chinensis), đảng sâm (Codonopsis pilosula), thiên ma (Gastrodia elata), long đảm (Gentiana scabra). Có hơn 70 loài có quả dại hay có chứa tinh bột như sơn bồ đảo (Vitis amurensis), mi hầu đào (Actinidia deliciosa), sơn tra, sơn lê (Pyrus ussuriensis Maxim). Có 89 loài cây lấy tinh dầu thơm, như nguyệt kiến thảo (Oenothera erythrosepala Borb), bạc hà, tường vi (Rosa multiflora). Có 149 loại cây lấy dầu như thông (lấy từ hạt thông), ké đầu ngựa.[29]